Sự phát triển nhanh chóng của ebook kéo theo các định dạng mọc lên như nấm với những đặc tính khác nhau nhằm bảo vệ nội dung, tích hợp những kỹ thuật mới, vô hình khiến người sử dụng bị rối.
Các định dạng phổ biến nhất bao gồm AZW, MOBI/PRC, và EPUB. Ngoài ra còn có PDF, nhưng nó làm việc không tốt trên smartphone kích thước nhỏ, phù hợp với tablet, ipad, và máy tính hơn.
PDF mạnh mẽ với sự hỗ trợ của Adobe DRM*. Amazon không hỗ trợ EPUB mà tập trung vào AZW và các biến thể. Bạn thường thấy TXT, nhưng TXT chỉ là định dạng lưu thông tin thuần chữ cái.
* DRM là viết tắt của Digital Rights Management (quản lý bản quyền kỹ thuật số)
Các loại định dạng
Phổ biến
- AZW: định dạng độc quyền của Amazon, giống MOBI, có thể có hoặc không có DRM.
- AZW4: cũng của Amazon, là file PDF tích hợp DRM do Amazon sản xuất.
- EPUB: định dạng sách mở được phát minh bởi Open Ebook thuộc diễn đàn Internation Digital Publishing (viết tắt là IDPF, diễn đàn xuất bản sách điện tử Quốc Tế). Nội dung được thể hiện giống như phương pháp trình bày văn bản của tập tin XHTML và XML (các bạn muốn tình hiểu truy cập đường link này nhé). Apple sở hữu hệ thống DRM của riêng họ khi phát hành sách ở định dạng này.
- MOBI: định dạng sáng chế bởi Mobipocket (đã bị thâu tóm bởi Amazon), Mobipocket Reader trước kia là ứng dụng phổ biến trên máy tính Windows và PDA (smartphone của thế hệ 7X & 8X).
- PDF: được phổ biến bởi Adobe. Tỉ lệ chữ bị cố định để tối ưu cho cách trình bày theo kích thước của khổ giấy, tốt cho việc in ấn nhưng thảm họa khi đọc trên mobile.
- PRC: chỉ còn phổ biến ở Việt Nam.
- CBR/CBZ: định dạng dành cho truyện tranh. Chữ R và viết tắt của RAR và Z là ZIP. Cơ bản nó là file nén. Thông thường file nén không thể hiện nội dung bên trong tập tin. Chúng giúp ứng dụng nhận biết và trích xuất kết quả dưới dạng hình ảnh. Chữ CB là viết tắt của Comic Book.
Ít phổ biến
- CHM: viết tắt của Compressed HTML (file HTML nén), thường bắt gặp trong các file hướng dẫn ở Windows. Một thời gian, nó vô cùng phổ biến trên các website bán sách điện tử như O'reily, Springer, Apress, ...
- DJVU: định dạng của Lizardtech, được sử dụng rộng rãi trong xuất bản sách khoa học. Đặc điểm chính của nó là tỉ lệ nén tốt gấp 10 lần PDF với file cùng chất lượng.
- FB2: viết tắt của Fiction Book, dựa trên phương thức trình bày văn bản của tập tin XML. Tuy nhiên nhược điểm mà mình nhận thấy là nó tải toàn bộ nội dung lên ram, với những thiết bị cũ sẽ gặp vấn đề nếu file FB2 có dung lượng hơn 5Mb.
Sự khác nhau trong cách trình bày
Một đặc điểm quan trọng ảnh hưởng tới cảm quan của độc giả đó là cách thức trình bày của một cuốn sách. Có ba tác nhân cơ bản:
- Phong cách thiết kế của người làm sách;
- Tính năng tích hợp trong định dạng sách;
- Ứng dụng/thiết bị hỗ trợ.
Mình sẽ bỏ qua yếu tố phong cách thiết kế.
Đối với các định dạng, còn có một khái niệm nữa về khuôn mẫu đó là reflowable (có thể co giãn được) hay non-reflowable (không co giãn được). Dạng reflowable sẽ tự động điều chỉnh số lượng chữ mỗi dòng, kích thước font, phóng to, thu nhỏ hình ảnh độc lập với sự thay đổi của font, bạn sẽ bắt gặp ở định dạng AZW, EPUB, MOBI, PRC, ... PDF là dạng non-reflowable hay khuôn mẫu cố định, kích thước phần chữ và phần ảnh thay đổi đồng loạt khi zoom.
Tính năng tích hợp trong ebook
Các định dạng ra đời sau này không còn đơn thuần tích hợp font cùng phương thức trình bày cổ xưa. Chúng là website thu nhỏ, chứa audio, video, ảnh động, tích hợp ngôn ngữ lập trình javascript.
Đặc điểm trên hữu dụng khi nào?
Bạn thử hình dung, hôm nay đi cà phê với bạn tây mới quen, muốn nói vài câu sâu sắc mà chưa biết diễn đạt sao; mở cuốn nghệ thuật giao tiếp tiếng Anh, sẵn có audio, ấn vào nút play và nghe.
Nói rộng ra, nó tiện lợi cho người học; ảnh động và video giúp độc giả hình dung kết quả mà bài giảng truyền tải.
Ứng dụng/thiết bị hỗ trợ
Số lượng ứng dụng/thiết bị phát được âm thanh, video, và ảnh động vẫn còn ít. Trên di động, ứng dụng iBooks, Amazon Kindle, Moon+ Reader, FBReader làm việc khá tốt.
LRC: định dạng dành cho tích hợp lời bài hát, đồng bộ âm thanh, hình ảnh, nhưng cần ứng dụng hỗ trợ mới hoạt động.
Trình bày đẹp hay xấu cũng bị ảnh hưởng bới các ứng dụng/thiệt bị đọc. Nhiều ứng dụng có cấu hình mặc định loại bỏ hết thiết lập sẵn có trong ebook. Người thiết kế muốn cuốn sách để dạng font serif (dòng font có chân), nhưng ứng dụng lại chuyển sang sans serif (dòng font không chân), có đường phân cách chương, thả chữ, vào ứng dụng lại đen xì, không phân cách, kéo hẹp khoảng không giữa các dòng, ...
Các ứng dụng đọc ebook đề xuất
- Adobe Acrobat Reader: ứng dụng đọc định dạng PDF tốt nhất.
- Calibre: đọc được hầu hết các định dạng, đặc biết tốt dành cho EPUB, MOBI, AZW, FB2, và còn nữa cần các bạn trải nghiệm. Tuy nhiên, đừng dùng nó để đọc PDF.
- Cool Reader: đọc cũng tốt, phiên bản máy tính mình chưa dùng, nhưng trên điện thoại tạm thời chưa hỗ trợ âm thanh.
- Kindle: ưu tiên đọc AZW.
- iBooks: tốt nhất cho EPUB, thậm chí hỗ trợ javascript mà hầu hết chưa các ứng dụng khác đều không. Tuy nhiên giới hạn trong cộng đồng "Táo Mỹ".
- Moon+ Reader: hỗ trợ âm thanh, video, nhưng ảnh động thì "đứng yên", thiết kế gọn gàng bắt mắt, thiết lập mặc định tốt.
- FBReader: một bản sao suất sắc từ iBooks.
Post a Comment